Học tập là một quá trình gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ và cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng để có thể học tập hiệu quả, chứ không đơn giản là đọc thuộc lòng hay làm thật nhiều bài tập mẫu.
Dưới đây là một số yêu cầu, kỹ năng cần thiết để học tập hiệu quả hơn:
1. Học cũng cần kế hoạch
Bất cứ việc gì muốn đạt hiệu quả đều cần phải có quy trình, hệ thống rõ ràng và việc học tập cũng vậy. Hãy nghiên cứu xem kiến thức nào quan trọng thì học trước, ít quan trọng hơn thì học sau. Điều này giúp bạn không bỏ lỡ kiến thức cần thiết và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
2. Học vào thời gian phù hợp
Mỗi môn học lại có những cách thức học và thời gian học phù hợp riêng. Chẳng hạn như với môn văn, bạn nên ôn lại ngay sau khi nghe giảng bài; với những bài cần học thuộc lòng thì nên đọc trước khi lên lớp.
Khi nghe giảng, bạn cần chắt lọc thông tin quan trọng và ghi lại trong vở của mình. Sau khi buổi học kết thúc, hãy đọc lại nhiều lần và ghi nhớ những thông tin đó, suy nghĩ cách triển khai vấn đề ở phạm vi rộng hơn. Biện pháp này giúp bạn nắm vững trọng tâm kiến thức và rèn luyện khả năng tư duy.
3. Kỹ năng chắt lọc thông tin từ bài giảng của giáo viên
Như đã nói ở trên, khi nghe giảng các bạn cần chắt lọc thông tin quan trọng và ghi chép lại cẩn thận. Nhưng làm thế nào để biết thông tin nào là trọng tâm thì không phải ai cũng nắm được.
Có một mẹo nhỏ cho các bạn là những ý tưởng quan trọng thường được thầy cô nhấn bằng sau các từ "chủ yếu", "vì vậy", "cho nên", "đặc biệt", "điều quan trọng"… Hãy chú ý tới những vế đặt sau các từ/cụm từ này và ghi nhớ chúng thật tỉ mỉ.
4. Không tiếp nhận thông tin thụ động
Một trong những tồn đọng lớn nhất trong cách dạy và học ở Việt Nam chính là tình trạng học sinh tiếp nhận thông tin một cách thụ động và giáo viên truyền đạt kiến thức một chiều. Rõ ràng, tính tương tác, phản biện giữa học sinh với giáo viên ở Việt Nam là rất kém.
Muốn học tập hiệu quả, điều quan trọng mà bạn cần ghi nhớ là đừng bao giờ "học vẹt". Hãy cố gắng sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt, giữ cho đầu óc vận động một cách linh hoạt. Theo đó, nên tích cực liên tưởng những điều mình đang học với những gì liên quan. Chẳng hạn khi cô giáo nói "car" thì bạn nên tưởng tượng tới chiếc xe ô tô, thay vì lặp đi lặp lại "car là ô tô, ô tô là car…".
Bên cạnh đó, dù điều kiện thế nào thì bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một góc học tập yên tĩnh với bàn, ghế tử tế thay vì nằm ra giường hay dùng bàn uống nước để học. Bởi tư thế ngồi học không chỉ ảnh hưởng tới xương sống, hình thể mà còn ảnh hưởng tới khả năng tập trung của bạn./.