Thường xuyên cảm thấy buồn ngủ đã được các nhà khoa học chứng minh là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe như thiếu máu, rối loạn đường huyết, suy tuyến giáp,…
Ngủ là một hành động tự nhiên của mỗi người, ngủ đủ giấc giúp cho cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng sau một ngày hoạt động và đặc biệt vô cùng quan trọng cho não bộ. Khi cơ thể bị mệt, đau ốm, chúng ta thường có nhu cầu ngủ nhiều hơn, lúc này lượng tế bào bạch cầu bên trong cơ thể sẽ tăng lên rất cao, làm tăng khả năng phòng chống bệnh. Đồng thời sản sinh ra nhiều hơn loại protein phụ trách khả năng phục hồi sức khỏe của cơ thể. Vậy nên, ngủ một giấc lúc mệt mỏi sẽ giúp chúng ta cảm thấy khỏe hơn khi tỉnh dậy. Tuy nhiên, nếu càng ngủ càng mệt thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang mắc phải một số bệnh lý trong người.
Rối loạn đường huyết
Bên cạnh đó, hay buồn ngủ còn là dấu hiệu của bệnh lý rối loạn đường huyết. Rối loạn đường huyết xảy ra khi nồng độ glucose trong máu tăng cao hơn mức bình thường, tế bào từ chối tiếp nhận isulin (hormone giúp đưa glucose vào tế bào), trong khi tuyến tụy vẫn tiếp tục sản sinh isulin. Tình trạng quá tải này gây ức chế hệ thần kinh, từ đó khiến chúng ta không được tỉnh táo và hay buồn ngủ.
Thiếu sắt
Sắt rất quan trọng với cơ thể, là nguyên liệu tổng hợp nên Hemoglobin, là chất có vai trò trong việc vận chuyển oxy trong máu và các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng không cung cấp đầy đủ oxy cho các mô cùng các cơ quan, nhất là ở tim và não bộ. Điều này làm cơ thể bị mất đi năng lượng cần thiết cho quá trình hoạt động và làm việc, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hay mệt mỏi, buồn ngủ, kém chú ý.
Suy giảm tuyến giáp
Cơ thể thường xuyên cảm thấy uể oải, buồn ngủ còn là dấu hiệu đặc trưng của việc suy giảm tuyến giáp. Tuyến giáp tuy nhỏ nhưng có vai trò khá quan trọng trong hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch,… Nó giúp điều hòa chuyển hóa, điều chỉnh quá trình giải phóng năng lượng của cơ thể. Khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị hạn chế, chúng ta sẽ cảm thấy cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, buồn ngủ, mất tập trung, đau nhức cơ bắp.
Rối loạn giấc ngủ
Hormone hypocretin được tiết ra ở vùng dưới đồi có tác dụng duy trì sự tỉnh táo cho cơ thể. Trung bình, đối với một người bình thường chi cần ngủ khoảng 8 giờ/ngày. Vì vậy, với những ai khỏe mạnh có lối sống sinh hoạt điều độ mà vẫn cảm thấy buồn ngủ, ngủ trên 14 giờ/ngày thì có thể đó là dấu hiệu của triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Khi đó, nồng độ hypocretin trong não của những người hay bị buồn ngủ là thấp, làm rối loạn giữa thức và ngủ, dẫn đến tình trạng luôn cảm thấy buồn ngủ ở mọi lúc mọi nơi.
Triệu chứng ngưng thở khi ngủ
Khi chúng ta ngủ dậy mà vẫn cảm thấy cơ thể còn buồn ngủ và mệt, thì có thể bạn đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc vào buổi đêm khi ngủ, dẫn tới tình trạng giảm oxy trong máu, có liên quan đến việc buồn ngủ vào sáng hôm sau. Không chỉ vậy, chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn tới những bệnh nguy hiểm hơn như bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp.
Xơ cứng động mạch não
Khi bị xơ cứng động mạch não, sẽ dẫn đến việc thu hẹp các mạch máu làm cho việc lưu thông máu trong cơ thể gặp khó khăn, lượng oxy cung cấp cho các cơ quan bị suy giảm, đặc biệt là thiếu oxy cho não. Chức năng của não qua đó sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ, khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi và thường xuyên có biểu hiện ngủ gật.