Mới đây, Hà Nội vừa đề việc tăng mạnh mức học phí của các trường công lập chất lượng cao. Việc làm này đang gây xôn xao trong dư luận, với nhiều câu hỏi được đặt ra.
Vào ngày 22/11 vừa qua, sở GD&ĐT cùng với Sở Tài chính Tp. Hà Nội đã có tờ trình về việc tăng mức trần học phí trường công lập chất lượng cao lên UBND Tp. Hà Nội. Theo đó, mức trần học phí đối với trường chất lượng cao được đề xuất áp dụng cho năm học 2016 – 2017 cho đến hết năm học 2019 – 2020, với mức tăng lũy tiến hàng năm là 400.000 đồng.
Đối với các trường mầm non, tiểu học công lập, mức trần đề xuất cho năm học 2016 – 2017 là 3,9 triệu đồng/học sinh/tháng, còn với các trường THCS và THPT thì mức trần học phí là 4,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Học phí này gồm chi phí các hoạt động tương tự như các trường công lập đại trà cùng chi phí cho chương trình học chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đề xuất tăng mức trần học phí này của đang làm dấy lên nổi băn khoăn trong dư luận. Liệu với mức tăng học phí như trên, chất lượng giáo dục có được cải thiện?
Học phí tăng ở mức khủng
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có tất cả 13 trường chất lượng cao (8 trường công lập và 5 trường ngoài công lập). Các trường này đang có mức thu phí bình quân cho năm học 2016 – 2017 là 2,4 triệu đồng/học sinh/tháng. Trong đó: khối mầm non và tiểu học là 2,1 triệu đồng, THCS là 2 triệu đồng và THPT là 3,4 triệu đồng. Ngoài ra, 5 trường công lập thí điểm chất lượng cao có mức thu bình quân là 1,7 triệu đồng/học sinh/tháng.
Trong khi đó, mức trần học phí đại trà trong cả nước là từ 10 – 80 ngàn đồng/học sinh/tháng. Nếu so sánh với mức học phí đại trà, mức trần hiện nay của các trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội đã khá cao. Với đề xuất về việc tăng mức trần học phí trên, học phí của các trường này sẽ cao hơn gấp 51,25 đến 410 lần so với học phí các trường bình thường khác trong cả nước, tùy theo từng vùng miền. Đây thực sự là một con số “khủng”.
Chất lượng giáo dục có tăng cao?
Đề xuất tăng học phí mức trần này đang khiến cho dư luận băn khoăn. Bởi với học phí khá cao nhưng hiện tại ngành giáo dục Hà Nội vẫn chưa chứng minh được việc nâng cao chất lương giáo dục để tương xứng với mức học phí.
Trong tờ trình gửi lên UBND Hà Nội, vẫn chưa cho thấy rõ sự hiệu quả của các trường công lập chất lượng cao từ năm 2013 đến nay, với các vấn đề như: chuyển biến trong chất lượng đội ngũ giảng dạy, đáp ứng được các tiêu chí theo quy định, nhu cầu học tập đa dạng của học sinh,…
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, mô hình trường chất lượng cao này đang quá nặng về việc thu học phí mà vẫn chưa chú ý đến đến chất lượng, hiệu quả và sự công bằng trong chất lượng giáo dục. Theo ông Vũ Thành Vinh, hội đồng tư vấn dân chủ – pháp luật (UBMTTQ Việt Nam Tp. Hà Nội) cho rằng, việc tăng trần học phí cao như vậy cần có báo cáo đánh giá rõ ràng tác động và hiệu quả của mô hình đào tạo, làm rõ về việc thu học phí ở các trường đang có sự chênh lệch lớn.
Với cơ chế tài chính như hiện nay, các trường chất lượng cao khó có thể triển khai ở các huyện ngoại thành bởi điều kiện thu nhập của người dân còn thấp. Điều này sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa các vùng trên địa bàn của thành phố.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng Tp. Hà Nội cần có sự quản lý và đánh giá sát sao, đảm bảo chất lượng giáo dục có sự tương xứng với mức học phí, tránh gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.