Những quy tắc ứng xử trên bàn ăn là điều rất quan trọng bạn cần phải nắm rõ để không bị coi là người vô duyên hay mất điểm trước mắt mọi người, nhất là với gia đình người yêu trong quá trình ăn uống.
Không chỉ là việc mà ai cũng phải làm hàng ngày để cung cấp năng lượng cho cơ thể, ăn uống còn là một nét văn hóa trong tâm khảm người Việt. Qua cách ăn uống, chúng ta có thể hiểu được phong cách, trình độ văn hóa và phẩm giá của một người thông qua các đạo lý, nguyên tắc và phong tục ứng xử trên bàn ăn. Khi ăn một mình hay với bạn bè thì chúng ta có thể thoải mái, không cần đắn đo lo nghĩ. Nhưng trong bữa ăn với những người lớn tuổi, nếu không có cách ứng xử phù hợp, bạn sẽ bị xem là coi là người vô duyên, không có học thức và giáo dục. Chính vì vậy, việc nắm rõ các quy tắc ứng xử trên bàn ăn luôn là điều cần thiết, để bạn không bị mất điểm trước mắt mọi người.
Không bắt đầu ăn khi mọi mọi người chưa ngồi vào bàn
Hãy nhớ rằng, dù bạn có đang đói đến mấy, thì cũng không nên mất lịch sự ngồi vào bàn ăn trước trong khi mọi người còn chưa ngồi xuống. Việc này sẽ khiến mọi người có ánh nhìn không tốt về bạn đấy!
Mời cơm trước khi ăn
Có lẽ, tập tục mời cơm trước khi ăn chỉ còn nguyên vẹn ở miền Bắc. Tuy nhiên, dù đang ở đâu đi chăng nữa, bạn cũng nên tạo cho mình tập tục mời cơm này. Bởi mời cơm thể hiện phép lịch sự và tôn trọng với những người lớn đang có mặt trên bàn ăn.
Bên cạnh đó, còn cho thấy bạn là người có văn hóa, giáo dục. Chính vì vậy, trước khi cầm đũa, bạn hãy mở lời mời cả nhà ăn cơm. Không cần khách sáo mời từng người mà chỉ cần một câu nói chung chung như "Con mời cả nhà dùng cơm", "Con mời cả nhà ăn cơm"… Ngoài ra, bạn nên để người lớn cầm chén đũa lên ăn trước nhé.
Ăn trông nồi ngồi trông hướng
Thời xưa, câu tục ngữ này nhằm mục đích ám chỉ người phụ nữ khi ăn uống phải dè dặt, chỉ được ngồi mâm dưới hoặc nhà bếp để ăn cơm. Và ngày nay, không một ai mà không được ông bà, bố mẹ nhắc câu tục này. Với mục đích chúng ta cần chú ý ăn từ tốn, chậm rãi, không nên gắp lấy gắp để, tranh phần người khác mặc dù đang đói thế nào đi nữa.
Đặc biệt, nếu lần đầu tiên bạn đến nhà một người lạ, việc để lại ấn tượng tốt luôn là điều quan trọng. Mọi người sẽ đánh giá bạn qua nhiều yếu tố, trong đó có "ăn trông ngồi, ngồi trông hướng" đấy.
Không cắm dựng đứng đũa trên chén cơm
Nếu đang có thói quen này, thì bạn hãy bỏ ngay. Bởi mọi người, nhất là các ông bà rất kiêng kỵ việc này. Do theo quan niệm từ thời xưa, đũa cắm đứng trên chén cơm đồng nghĩa với việc ta đang thắp hương cho người đã khuất và mời gọi họ về ăn cơm.
Không vừa ăn vừa nói
Việc nói chuyện trong khi miệng đang nhồm nhoàng thức ăn là điều rất bất lịch sự, bạn cần tránh làm điều này khi đang ngồi ăn với mọi người. Không chỉ làm những người cùng bàn khó chịu mà việc vừa ăn vừa nói còn có thể khiến bạn bị nghẹn. Trong trường hợp nếu muốn nói chuyện, bạn hãy nhai hết thức ăn và đặt đũa, muống xuống bàn. Hành động này nhằm tránh tình trạng cao hứng nói chuyện, vung vẫy đũa, muỗng ra xung quanh, gây mất vệ sinh cho những người bên cạnh.
Bới cơm đúng cách
Đây là điều các nàng nên lưu ý nhé! Bởi nếu bới cơm không đúng cách, cũng có thể khiến mất điểm trước mắt người lớn đấy. Nếu vô tình nồi cơm đặt gần chỗ bạn, hãy tinh ý chỉ nên bới cơm vừa 2/3 chén, không nên bới quá đầy hay quá ít. Bởi, nếu bới quá đầy cho chén mình, người ta sẽ nghĩ bạn là người tham ăn, tục uống. Nếu bới cho mọi người quá đầy, họ sẽ khó gắp thức ăn lên chén được.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chỉ bởi đúng một muỗng cơm vào chén, do theo quan niệm của ông cha, cách bới đó là bới cơm cúng.