Xã hội hiện đại và phát triển buộc con người ta phải thay đổi tư duy để thích ứng kịp thời. Ở thời đại này, tri thức không phải là tất cả. Muốn thành công, bạn buộc phải có những kỹ năng mà công việc và cuộc sống yêu cầu.
Thay đổi để thích nghi
Đã có một thời gian dài ngành giáo dục của ta đối mặt với sự chỉ trích, phê phán của các chuyên gia trong nước, quốc tế và của một bộ phận người dân cũng với giới truyền thông về phương pháp giáo dục thiên lệch, "bên trọng bên khinh", quá mang nặng tính giáo điều, khiến học sinh, sinh viên ra trường phải chật vật vì thiếu kỹ năng mà kiến thực học được thì chẳng mấy khi có điều kiện áp dụng.
Tất nhiên hiện tại, vấn đề vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục, song cũng đã được nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn. Bằng chứng là đã có rất nhiều trường, từ tiểu học tới phổ thông, trung cấp, đại học… đưa các chương trình đào tạo kỹ năng sống vào giảng dạy, đồng thời tổ chức nhiều buổi tọa đàm về kỹ năng sống, kỹ năng cần thiết trong công việc cho học sinh, sinh viên.
Lồng ghép giáo dục kỹ năng là điều nhất định phải thực hiện
Nhìn nhận thực tế thị trường lao động thời gian qua, chúng ta thấy có một hiện tượng rất "nực cười", đó là nhà tuyển dụng liên tục kêu "không tuyển được nhân viên", còn cử nhân thì lại than "bằng đại học mà thất nghiệp". Có người đốt bằng, có người giấu bằng đi làm công nhân, có người học chuyển đổi nghề khác, cũng có người quyết tâm bỏ ra vài năm nộp hồ hết chỗ này tới nơi khác… Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự đối lập này? Phải chăng một trong hai bên (nhà tuyển dụng hoặc cử nhân) nói dối? Hay là vì "đi hoài mà chẳng gặp được nhau?…
Về vấn đề này, rất nhiều người thâm niên trong công tác tuyển dụng đã thẳng thắn chia sẻ rằng, việc làm chưa bao giờ thiếu và không bao giờ thiếu, nguyên nhân chính là bởi những ứng viên chỉ có tấm bằng với mớ lý thuyết suông cùng sự "ảo tưởng năng lực của bản thân" mà thiếu đi những kỹ năng cần thiết cho công việc.
Chẳng hạn như một anh chàng sinh viên với tấm bằng loại giỏi của một trường đại học danh tiếng, với bề dày thành tích học tập đáng nể, vô vàn các loại học bổng lớn nhỏ khi còn ở trong trường, anh ta tự tin rằng với trình độ của mình phải vào làm việc ở doanh nghiệp thật hoành tráng, phải ngồi ngay vào ghế quản lý và phải được hưởng mức lương ngàn đô… Nhưng anh ta không hiểu, anh ta thiếu những yếu tố rất quan trọng như kinh nghiệm, kỹ năng nhìn nhận, đánh giá vấn đề (nhìn nhận bản thân anh ta), thiếu đi sự kiên trì, nhẫn nại và đức tính khiêm nhường… Vì thế, anh ta thất nghiệp.
Lỗi không hoàn toàn ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã không quy hoạch tốt thị trường lao động, không hoàn toàn do ngành giáo dục đào tạo mà không lo đầu ra, mà còn do mỗi người chưa tự nỗ lực trong việc rèn luyện kỹ năng mềm, hoàn thiện bản thân.
Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, chắc chắn cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Trong đó, quan trọng nhất là nhà trường phải đẩy mạnh hơn nữa việc đưa giáo dục kỹ năng vào chương trình đào tạo cho học sinh, bản thân học sinh cũng phải chủ động rèn luyện.
Phấn đấu không ngừng nghỉ để hoàn thiện bản thân về mọi mặt là cách duy nhất để có thể thành công trong thời buổi hiện nay./.