Y học cổ truyền (hay còn được gọi là Đông y) dùng để chỉ nền y học có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam xưa, để phân biệt với Tây y (hay y học hiện đại từ phương Tây). Lý luận Đông y được dựa trên nền tảng triết học cổ của Trung Hoa: Âm Dương, Ngũ Hành. Âm Dương, Ngũ Hành cân bằng thì cơ thể mới khỏe mạnh, việc điều trị bệnh có tác dụng lập lại trạng thái cân bằng của các yếu tố đó trong khi Tây y dựa trên lượng kiến thức về giải phẫu, sinh lý, vi sinh…
Bên cạnh sự hiểu biết về Âm Dương, Ngũ Hành thì cơ sở lý luận Đông y còn bao gồm như: học thuyết Thiên Nhân đồng nhất, học thuyết kinh lạc, bát cương, học thuyết tạng tượng. Mặc dù tạng tượng học của Đông y có nhiều điểm tương tự với giải phẫu và sinh lý học Tây y, các từ Hán-Việt sử dụng để chỉ các tạng (tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận), phủ (vị, đởm, tam tiêu, bàng quang, tiểu trường, đại trường) trong Đông y không đồng nhất với các từ chỉ các bộ phận theo giải phẫu học Tây y (tim, gan, lách, phổi, cật; dạ dày, mật v.v.). Bời vì Đông y về bản chất nó có một hệ thống lý luận khác, do đó, việc phân loại cơ thể thành các bộ phận khác nhau một cách riêng biệt chỉ là khiên cưỡng, vì cơ thể là một thể thống nhất không tác rời.
Y học cổ truyền chẩn đoán bệnh bằng các biện pháp như: vọng chẩn (quan sát các dấu hiệu của bệnh nhân và hoàn cảnh), văn chẩn (lắng nghe những âm thanh từ thể trạng và tâm sự của bệnh nhân), vấn chẩn (hỏi thăm bệnh nhân và người nhà những điều có liên quan), thiết chẩn (khám bằng tay và sử dụng dụng cụ) để xác định bệnh tình.
Về cách điều trị, Y học cổ truyền sử dụng các biện thức như: châm cứu; thuốc uống hoặc sử dụng ngoài da, và cả xoa bóp; vật lý trị liệu
Biện pháp châm cứu được dựa trên hệ thống kinh mạch được mô tả chi tiết với hàng trăm huyệt khác nhau trên cơ thể. Các huyệt và các đường kinh mạch có mối liên hệ mật thiết với các tạng, phủ trong cơ thể, để chữa trị các rối loạn ở tạng phủ nào,xác định rối loại kiểu nào thì can thiệp vào các huyệt tương ứng và những huyệt khác có liên quan để hỗ trợ nếu cần thiết. Điều đặc biệt nữa là hệ thống các huyệt, kinh mạch đó không thể dùng các biện pháp giải phẫu, sinh lý của Tây y để mô tả được, tuy nhiên trong thời đại ngày nay, châm cứu được dùng như một biện pháp gây vô cảm (hay gây tê) trong các cuộc phẫu thuật (của Đông Tây y kết hợp).
Thuốc Bắc là những vị thuốc được khai thác và bào chế theo sách của y học Trung Quốc truyền sang (và được phát triển từ các lương y người Việt). Còn thuốc Nam là các vị thuốc do các thầy thuốc tìm ra trên lãnh thổ của nước Việt Nam. Những vị thầy thuốc nổi tiếng được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam là Lê Hữu Trác và lương y Tuệ Tĩnh
Một số tố chất cần có khi theo học nghề Y học cổ truyền:
– Lòng nhân hậu, thương người, sự cảm thông và chia sẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu.
– Có khả năng giao tiếp tốt, phong thái vô cùng cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy với mọi người.
– Có khả năng tự sắp xếp công việc, tự học, tự nghiên cứu
– Có tính kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ
– Có một đôi bàn tay khéo léo, có sức khỏe tốt, đặc biệt có một thần kinh vững vàng
– Học giỏi môn sinh học, hóa học